Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Những vụ đổ tiền mua thành công tại Premier League

Man City đã đoạt “ngai vàng” Premier League 2011-2012 theo một kịch bản phi thường. Nhưng giờ đây, câu hỏi đặt ra là sau những khoảnh khắc phi thường đó của Man xanh, liệu có một kỷ nguyên phi thường của bóng đá Anh?


Ở Đức, thành công trong bóng đá có thể đến từ những HLV sở hữu mắt nhìn người tinh tường, xây dựng được một tập thể mạnh chỉ bằng ngân sách nhỏ, như cách nhà vô địch Dortmund đã làm trong hai mùa giải qua. Ở Tây Ban Nha, thành công có thể được tạo ra từ những lò đào tạo trứ danh, như mô hình của Barcelona hay Athletic Bilbao. Nhưng ở Anh, thành công chỉ đến khi có tiền đầu tư.

Blackburn Rovers đã phải chi ra tới 3,5 triệu bảng, một kỷ lục nước Anh để có Alan Shearer, tiền đạo giúp họ làm nên chức vô địch mùa giải 1994-1995. Ba năm sau đó, Arsenal cũng phải chi tới 18 triệu bảng trong mùa đầu tiên HLV Wenger nắm quyền để đổi lấy chức vô địch đầu tiên (điều tưởng như không thể có với tính cách của ông thày người Pháp). Còn Chelsea, một nguyên mẫu của Man City, cũng tiêu tốn hàng trăm triệu bảng để trở thành kẻ cạnh tranh với M.U. Thế nên không thể phàn nàn gì về cách tỷ phú Sheikh Mansour đổ “núi tiền” để xây dựng Man City bởi đó là phương thức duy nhất để thành công ở nước Anh.
Cuộc đăng quang đầy kịch tính là “thuốc bổ” cho thương hiệu Man City. Ảnh: Daily Mail

Đồng tiền đã mang lại cho Man City những điều phi thường. Nó giúp họ sở hữu những ngôi sao hàng đầu. Nó giúp họ giữ những ngôi sao ấy trật tự trong phòng thay đồ. Ngoại trừ scandal của Carlos Tevez, câu chuyện mà sau đó cũng “chìm xuồng” rất nhanh, thì hậu trường Man City rất đỗi bình yên.

Con đường đi đã được xác lập rõ ràng, sẽ khó tin rằng ông chủ Ả rập sẽ dừng chi tiền. Kế hoạch biến Man City thành đội bóng số một thế giới đã có chiến quả đầu tiên theo một cách mỹ mãn. Mỹ mãn không phải vì họ giành ngôi vô địch Premier League dễ dàng, mà ngược lại. Đó là một chức vô địch kịch tính đến mức điên rồ, với bàn thắng ấn định chiến thắng 3-2 trước QPR của Sergio Aguero đến khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây, khi mà CĐV M.U đã ăn mừng. Và chính sự kịch tính ấy mới là “thuốc bổ” cho thương hiệu Man City. Theo thống kê, 650 triệu người đã xem trận derby Manchester, một kỷ lục thế giới. Và có lẽ không ít hơn con số ấy đã hồi hộp đến vỡ tim khi dõi theo 2 bàn thắng thay đổi mùa giải của Dzeko và Aguero ở vòng đấu hạ màn vừa qua. Có doanh nghiệp nào trên thế giới không thèm khát một màn quảng bá thương hiệu ấn tượng đến thế?

Năm 1999, khi M.U khiến thế giới “vỡ tim” với hai bàn thắng ở phút bù giờ giúp họ vượt qua Bayern Munich để vô địch Champions League, thời đại Internet đang bùng nổ. Năm đó là giai đoạn mà số lượng website tăng với tỷ lệ cao nhất trong lịch sử công nghệ thông tin. Và đó là lý do quan trọng khiến họ trở thành thương hiệu bóng đá mạnh nhất thế giới. Năm 2012, khi Man City làm nên một điều còn kịch tính hơn thế, thời đại của mạng xã hội facebook và mạng di động 3G cũng đang bùng nổ. Họ hoàn toàn có tiền đề để trở thành một thương hiệu lớn nhất thế giới bóng đá. Miễn là quá trình đầu tư được tiếp tục.

Có thể, việc đốt hơn 1 tỷ bảng cho Man City sẽ không dừng lại ở một cuộc chơi của ông chủ Sheikh Mansour. Khả năng thu hồi vốn, dù thấp, không phải là không thể, sau màn “quảng cáo” ấn tượng tại Etihad đêm 13/5.

Hai bàn thắng của Dzeko và Aguero không chỉ thay đổi lịch sử Man City. Nó còn có thể mở ra một trang mới cho bóng đá Anh. Để đuổi theo Man xanh, tất cả những ông lớn Premier League giờ đều phải thay đổi. Những khoản tiền lớn chuẩn bị được ném ra, những trận đại chiến lại chuẩn bị có dáng dấp “kinh điển”, sau một mùa giải xuống cấp trầm trọng.
Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét